Đặng Quỳnh Lê
- Thứ Ba, 23/01/2024 , 06:34 (GMT+7)

Cái đó là nông cụ thân thuộc với bà con nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: KTNT.
Rất nhiều người đã thắc mắc tranh luận về câu thành ngữ này, ngay cả nhiều với người ở Nghệ An, Hà Tĩnh quen thuộc với câu thành ngữ này cũng cảm thấy khó hiểu hết ý nghĩa của nó. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng làm rõ ý nghĩa của nó.
Trộ tức là chỗ - địa điểm đặt đó thuận lợi ở những nơi nước chảy. Thường lúc nước to, người ta lợi dụng các đặc tính di chuyển theo dòng nước của cá, tôm… rồi tìm chỗ đặt đó để bắt.
Đó là công cụ hiệu quả để đánh bắt ở các “trộ” theo đặc tính trên. Đó là một dụng cụ hình ống tròn làm bằng các thanh tre vót tròn, một đầu to, một đầu nhỏ được buộc túm lại bên dưới (ở một số nơi có tấm bịt đầu hình tròn), ở đầu to người ta chế ra một dụng cụ gọi là cái tôi, như cái phễu. Cái tôi có tác dụng cá, tôm, cua, lươn, chạch… chui vào nhưng không ra được. Trong cái đó, thì cái tôi là cái khó làm nhất, lại hay hỏng, khó thay thế, nên nói “đó rách” thì thường cái tôi bị rách, các loài vật vào được nhưng vẫn ra được.
Đó thường đặt lúc đêm đến (Đêm đến đem đèn đi đâu đó/ Đêm đến đem đèn đi đơm đó đây), tầm 4, 5 giờ sáng thì lấy về. Không có nhiều vị trí đẹp tức là nơi có thể bắt được nhiều cá ở đồng ruộng để đặt đó. Ngay cả khi biết được vị trí đẹp để đặt đó thì khi đến nơi nếu thấy người khác đã đặt rồi thì mình cũng không thể tranh giành chỗ đó được, đành tìm chỗ khác.
Vậy hiểu câu “đó rách ngáng trộ” này nghĩa là gì? Về mặt nghĩa đen, khi ai đó tới một vị trí đặt đó nhưng ai kia đã đặt đó của họ rồi, nhưng cái đó đó đã hỏng, không bắt được cá tôm nữa. Nhưng cũng không làm gì được, vì người ta đã đặt trước rồi, không thể vứt nó đi, mà cũng không đặt đó của mình vào đó được. Nếu chỉ là cái đó hỏng, cản trở dòng chảy thì chỉ cần vứt nó đi chỗ khác, đằng này đây là cái đó do người khác đặt, một nơi đặt đó sẽ bắt được cá tôm nhiều, mà không đặt đó của mình được, trong lòng thấy tiếc.
Về nghĩa bóng câu thành ngữ trên có ý nói rằng: chúng ta biết cái gì đó là vô dụng, cản trở cho sự phát triển nhưng cũng không thể thay thế nó, đành chấp nhận với điều đó. Ví dụ trong một cơ quan, nói: “hắn là đó rách ngáng trộ”, nghĩa là một người không có tác dụng gì nhiều trong cơ quan, nhưng không thể sa thải được, vẫn ngồi cái ghế đó mà không ai làm gì được. Đó là cái ý nghĩa độc đáo, thâm thúy của câu thành ngữ.
Bác Sự trong trường hợp này giải thích là "Vợ chồng sống với nhau lâu năm nên tôi lưu hài hước như thế chứ không có ý gì. Đó rách ngáng trộ có ý nói là vợ không làm nên trò trống gì lại cản trở người khác”. Nghĩa đầy đủ là (ý nghĩa mang tính bông lơn, hài hước) người vợ không làm nên trò trống gì, lại cản trở, mà không thể thay được, tức không bỏ được.